BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-TT-LB | Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 1962 |
HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ -BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các Ông Bộ trưởng các bộ và thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ |
Ngày 27-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.
Một trong những nguyên tắc của bản điều lệ tạm thời là mức độ đãi ngộ về bảo hiểm xã hội được quy định căn cứ vào sự cống hiến, thời gian công tác, do đó mà vấn đề quy định về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức có một ý nghĩa quan trọng.
Trong bản điều lệ tạm thời đã định nghĩa rõ: “tất cả những danh từ đã dùng để chỉ thời gian làm việc của công nhân, viên chức như: tuổi nghề, tuổi ngành, thâm niên công tác, thâm niên cách mạng, v.v… nay gọi thống nhất là thời gian công tác. Có 2 loại thời gian công tác: thời gian công tác nói chung và thời gian công tác liên tục”.
- Quy định thời gian công tác nói chung là để xem xét người công nhân, viên chức đã lao động cho xã hội nhiều hay ít để được hưởng quyền nghỉ ngơi khi tuổi già (chế độ hưu trí).
- Quy định thời gian công tác liên tục là để có cơ sở đãi ngộ người công nhân, viên chức trong các chế độ bảo hiểm xã hội; đồng thời nó có tác dụng khuyến khích người công nhân, viên chức yên tâm đi sâu vào ngành, nghề của mình, góp phần củng cố kỷ luật lao động, ổn định lực lượng lao động trong các ngành kinh tế quốc dân.
Nay Liên bộ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức như sau:
1. Thời gian công tác nói chung:
Tất cả những thời gian người công nhân, viên chức thoát ly kinh tế gia đình, làm việc lấy lương hay sinh hoạt phí làm nguồn sống chính ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, ở các tổ chức của Đảng hay đoàn thể cách mạng, ở trong quân đội cách mạng theo chế độ tình nguyện hoặc theo chế độ nghĩa vụ đều được tính là thời gian công tác nói chung. Tuy nhiên cũng có những trường hợp làm việc không có lương hay sinh hoạt phí như thời gian hoạt động bí mật hay thời kỳ ta mới giành được chính quyền, cán bộ chưa có chế độ sinh hoạt phí, khi ở cơ quan thì do cơ quan, đoàn thể cung cấp ăn uống, khi xuống cơ sở thì sống dựa vào nhân dân, nhưng vẫn được tính là thời gian công tác. Đối với những công nhân, viên chức có thời gian làm công ăn lương dưới chế độ cũ, trước Cách mạng tháng 08-1945, hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nếu công việc họ làm không có tính chất chống phá cách mạng hoặc đàn áp nhân dân thì thời gian đó cũng được tính vào thời gian công tác nói chung.
2. Thời gian công tác liên tục:
Thời gian công tác liên tục là thời gian người công nhân, viên chức làm việc liên tục, không đứt quãng ở một ngành, một cơ quan, một xí nghiệp dưới chính thể Việt nam dân chủ cộng hòa; nếu làm việc ở dưới chế độ cũ thì không được tính là thời gian công tác liên tục. Trường hợp do yêu cầu công tác, người công nhân, viên chức được tổ chức điều động từ ngành, cơ quan, xí nghiệp này đến ngành, cơ quan, xí nghiệp khác thì cũng được xem là liên tục công tác.
Thời gian người cán bộ hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, không đứt quãng trước Cách mạng 08-1945 đều được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác).
Thí dụ:
a) Một công nhân, viên chức thoát ly hoạt động cách mạng từ năm 1930 đến 1937, vì một lý do nào đó, tạm ngừng hoạt động đến đầu năm 1940 lại tiếp tục hoạt động cho đến nay thì:
- Thời gian công tác nói chung được tính từ năm 1930 nhưng phải trừ 3 năm đứt quãng (1937 – 1940).
- Thời gian công tác liên tục tính từ năm 1940 đến nay.
b) Một công nhân, viên chức khác tham gia công tác từ 02-09-1945 đến tháng 05 năm 1953, xin thôi việc; tháng 05-1958 lại được trở lại làm việc cho đến nay thì:
- Thời gian công tác nói chung được tính từ 02-09-1945, nhưng phải trừ 5 năm đứt quãng (1953-1958).
- Thời gian công tác liên tục tính từ tháng 05-1958.
c) Một công nhân, từ năm 1940 đã làm việc trong xí nghiệp của Pháp, khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, xí nghiệp này trở thành của Nhà nước và người công nhân đó vẫn làm việc liên tục cho đến nay thì thời gian công tác được tính như sau:
- Thời gian công tác nói chung tính từ năm 1940.
- Thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ khi làm việc dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa (02-09-1945).
d) Một công nhân đã làm việc ở mỏ than Hòn Gay từ năm 1930 sau Cách mạng tháng 08-1945 vẫn làm việc liên tục ở mỏ đó cho đến tháng 05-1955 Chính phủ tiếp quản, người đó vẫn làm việc liên tục cho đến nay thì:
- Thời gian công tác nói chung tính từ năm 1930 đến nay.
- Thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ tháng 05-1955.
Nhưng nếu từ tháng 05-1948, người công nhân đó có liên hệ với cách mạng và thực sự hoạt động cho cách mạng liên tục cho đến tháng 05-1955 (tuy vẫn là công nhân mỏ) thì thời gian công tác liên tục được tính từ tháng 05-1948.
3. Một số trường hợp đứt quãng được tính là thời gian công tác liên tục:
Do đặc điểm tình hình của nước ta, có những trường hợp do yêu cầu của tổ chức, công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cho thôi việc trong dịp giản chính, giảm nhẹ biên chế, kiện toàn tổ chức, và quân nhân tình nguyện được phục viên, hoặc giải ngũ sau được trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, nếu trong thời gian nghỉ việc không có hành động chống đối chính sách, thì được cộng thời gian trước và sau khi nghỉ việc để tính là thời gian công tác liên tục (trừ thời gian nghỉ việc không tính).
Trường hợp công nhân, viên chức đã thôi việc, hưởng theo chế độ mất sức lao động, thương binh về xã tự túc hay ở trại thương binh, sau trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, cũng được cộng thời gian trước với thời gian sau tính là thời gianc ông tác liên tục (trừ thời gian nghỉ việc ở xã, ở trại không tính).
Còn những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức xin thôi việc, quân nhân xin giải ngũ vì hoàn cảnh riêng, sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc giải ngũ không được tính vào thời gian công tác liên tục, mà chỉ được tính vào thời gian công tác nói chung.
Riêng đối với một số công nhân, viên chức quân nhân phục viên, thương binh vì yêu cầu của tổ chức được di sản xuất ở các tập đoàn sản xuất do Ủy ban thống nhất trung ương quản lý, thì thời gian sản xuất ở các tập đo8àn cũng như thời gian trước đó đều được tính là thời gian công tác liên tục. - Những công nhân, viên chức trước là cán bộ xã miền Nam, khi tập kết ra Bắc được bố trí đi sản xuất ở các tập đoàn sản xuất do Ủy ban thống nhất trung ương quản lý, thì thời gian đi sản xuất ở các tập đoàn được tính là thời gian công tác liên tục.
Thí dụ:
- Một vật tư đã làm việc liên tục từ tháng 12-1950, đến tháng 01-1958 vì yêu cầu của tổ chức được đi sản xuất ở tập đoàn sản xuất xe đạp Thống nhất (do Ủy ban thống nhất trung ương quản lý), thì thời gian công tác liên tục được tính từ tháng 12-1950 cho đến nay.
Một công nhân, viên chức khác trước đây là chi ủy viên chi bộ xã ở miền Nam, khi tập kết ra Bắc được bố trí đi làm việc ở một tập đoàn chăn nuôi gia súc (do Ủy ban thống nhất trung ương quản lý), đến tháng 05-1961, tập đoàn đó chuyển thành nông trường quốc doanh, thì thời gian công tác liên tục được tính từ khi tham gia sản xuất tập đoàn (tức là từ khi tập kết ra Bắc) cho đến nay (thời gian ở xã tính theo điểm 13 của thông tư này).
Trước Cách mạng tháng 08-1945 hay trong thời kỳ kháng chiến, công nhân, viên chức vì hoạt động cách mạng, có thời gian bị địch bắt giam giữ, cầm tù, thì nói chung, những thời gian bị giam giữ đó đều được tính là thời gian công tác liên túc (nếu vẫn liên tục công tác).
Riêng trường hợp bị địch bắt mà phản bội (làm tay sai cho địch) thì thời gian công tác liên tục hay thời gian công tác nói chung cũng đều chỉ được tính từ khi trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp.
5. Thời gian ngừng việc vì bị kỷ luật:
a) Thời gian công nhân, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm giam để chờ truy tố trước tòa án hoặc chờ xét định kỷ luật, thì tính như sau:
- Nếu sau khi xét xử mà bị thải hồi, hoặc bị kết án tù (tù ngồi) và sau lại được trở lại làm việc thì thời gian tạm bị đình chỉ công tác hay bị tạm giam nói trên, không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó thì được tính vào thời gian công tác nói chung.
- Nếu đặc biệt có trường hợp sau xét ra là oan, thì thời gian bị tạm giam, bị đình chỉ công tác vẫn được tính là thời gian công tác liên tục.
b) Thời gian công nhân, viên chức đã bị kỷ luật thải hồi, bắt buộc thôi việc, hoặc đã phạm tội bị tòa án phạt tù (tù ngồi) và sau lại được trở lại làm việc thì đều không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó chỉ được tính vào thời gian công tác nói chung.
c) Thời gian công nhân, viên chức bị án treo mà vẫn tiếp tục làm việc được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác).
- Trường hợp không bị đình chỉ công tác trước khi bị án treo thì thời gian trước khi bị án treo vẫn được tính là thời gian công tác liên tục.
- Trường hợp có thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giam trước khi bị án treo thì thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giam đó không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó vẫn được nối với thời gian sau để tính vào thời gian công tác liên tục.
Những trường hợp bị kỷ luật vì có hành động chống phá cách mạng, thì thời gian công tác trước khi bị kỷ luật không được tính (cả thời gian công tác liên tục cũng như thời gian công tác nói chung), mà chỉ được tính từ khi trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp.
6. Thời gian nằm im không hoạt động
Công nhân, viên chức hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trước ngày 19-08-1945 hay hoạt động ở vùng địch hậu trong thời kỳ kháng chiến, có thời gian nằm im không hoạt động thì:
- Thời gian nằm im không được tính là thời gian công tác,
- Thời gian công tác trước khi nằm im chỉ được tính là thời gian công tác nói chung.
- Thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ ngày trở lại công tác.
Nhưng nếu có trường hợp trong một thời gian ngắn không hoạt động, thì sẽ xét cụ thể để giải quyết.
7. Thời gian nằm chờ công tác:
Thời gian công nhân, viên chức nằm chờ công tác do tổ chức chưa kịp bố trí thì được xem như thời gian vẫn làm việc và được tính vào thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác). Nhưng nếu cơ quan, xí nghiệp đã bố trí công tác mà không chịu nhận, thì thời gian nằm ỳ không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó chỉ được tính vào thời gian công tác nói chung.
Thời gian công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cử đi học các lớp bổ túc nghiệp vụ, chính trị, văn hóa, đi học các trường chuyên nghiệp đại học, đều được tính là thời gian công tác liên tục. Nếu công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc để đi học (không được cơ quan cử đi) thì thời gian đi học không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó được tính là thời gian công tác nói chung.
- Thời gian học sinh và sinh viên đi học ở trường chuyên nghiệp, đại học, đi học chuyên môn, kỹ thuật ở trong hay ngoài nước trước khi là công nhân, viên chức, không được tính là thời gian công tác nói chung cũng như thời gian công tác liên tục mà chỉ được tính từ khi bắt đầu vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp.
9. Thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm đau, vì tai nạn lao động:
- Thời gian công nhân, viên chức tạm nghỉ có lý do chính đáng: nghỉ hàng năm, nghỉ đẻ, nghỉ dưỡng sức, nghỉ vì ốm đau, vì tai nạn lao động, nghỉ phép về việc riêng, nghỉ vì nhà máy thiếu nguyên vật liệu, máy móc hỏng v.v… được cơ quan, xí nghiệp cho phép hay thầy thuốc chứng nhận, đều được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn làm việc liên tục).
Thời gian nghỉ dài hạn không lương, hoặc tự tiện bỏ việc không được tính là thời gian công tác. Thời gian trước đó được tính vào thời gian công tác nói chung.
10. Thời gian phục vụ công tác đột xuất:
Thời gian công nhân, viên chức được điều động đi làm các công tác đột xuất (ngoài nhiệm vụ thường xuyên của mình) như: đi phục vụ chiến dịch (trong kháng chiến), đi làm công tác thuế, chống hạn, chống lụt, đi phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất v.v… đều được tính là thời gian công tác liên tục.
Cán bộ xã được huy động đi làm các công tác đột xuất, tiếp sau đó được lấy vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp được tính thời gian công tác liên tục từ ngày đi làm công tác đột xuất.
11. Thời gian làm nghĩa vụ quân sự, dân công:
Thời gian một người công dân làm nghĩa vụ quân sự và tiếp ngay sau đó được lấy vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp được tính là thời gian công tác nói chung. Nhưng nếu đang làm công nhân, viên chức được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự thì thời gian làm nghĩa vụ ấy được tính là thời gian công tác liên tục.
Thời gian một người công dân làm nghĩa vụ dân công sau đó được lấy vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp không được tính là thời gian công tác.
12. Thời gian làm việc dưới chế độ cũ:
Thời gian công nhân, viên chức làm việc dưới chế độ cũ trước Cách mạng 08-1945 hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến mà không có hành động chống phá cách mạng hoặc đàn áp nhân dân thì được tính vào thời gian công tác nói chung; cụ thể quy định như sau:
- Thời gian những công dân trực tiếp sản xuất, những công nhân, viên chức làm việc ở các ngành chuyên môn, khoa học, kỹ thuật hay hành chính đều được tính vào thời gian công tác nói chung, riêng đối với những cá nhân có hành động chống phá cách mạng, đàn áp nhân dân thì thời gian ấy và tất cả thời gian về trước đều không được tính là thời gian công tác.
- Thời gian những công nhân, viên chức làm việc trong các tổ chức của địch trực tiếp đàn áp nhân dân, chống lại cách mạng thì không được tính vào thời gian công tác: riêng những người tuy ở trong các tổ chức đó mà có hành động tốt: liên hệ với cách mạng, ủng hộ giúp đỡ cách mạng, thì những thời gian có hành động ấy được tính là thời gian công tác nói chung.
- Những công nhân, viên chức có thời gian làm việc dưới chế độ cũ (ở công sở hay ở tư sở), nếu vì hoạt động cách mạng mà bị nhà cầm quyền hoặc chủ sở thải hồi và bị thất nghiệp, thì thời gian bị thất nghiệp đó được tính là thời gian công tác nói chung.
- Trường hợp có công nhân, viên chức có thời gian làm việc dưới chế độ cũ mà không được tính là thời gian công tác nói chung, thì mặc dù trước đó có thời gian làm việc cho cách mạng cũng không được tính.
13. Thời gian công tác nửa thoát ly ở xã:
Thời gian công tác nửa thoát ly ở xã, chưa tách khỏi kinh tế gia đình, thì nói chung chưa được tính vào thời gian công tác. Riêng một số công nhân, viên chức có thời gian giữ những chức vụ: chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã, bí thư, phó bí thư, thường vụ Đảng ủy xã (bí thư, phó bí thư, thường vụ chi ủy xã ở những xã không tổ chức thành Đảng ủy) thường trực văn phòng Ủy ban hành chính hay chi bộ xã, tuy không thoát ly hẳn kinh tế gia đình, nhưng đã thực sự công tác, tiếp theo đó được điều động lên làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, thì thời gian giữ các chức vụ trên được tính vào thời gian công tác liên tục.
Còn đối với các cán bộ giữ những chức vụ ủy viên Ủy ban hành chính xã, Đảng ủy viên xã, (chi ủy viên chi bộ xã ở những xã không tổ chức thành Đảng ủy), ban chỉ huy xã đội, trưởng phó các ngành, các giới ở xã, giao thông viên của xã, thì thời gian giữ các chức vụ ấy được tính là thời gian công tác nói chung.
Thí dụ:
a) Một công nhân, viên chức trước đây đã giữ chức vụ Bí thư Thanh niên xã, rồi ủy viên Ủy ban hành chính xã từ tháng 02-1950, đến tháng 02-1955 được cử giữ chức vụ chủ tịch Ủy ban hành chính xã cho đến tháng 05-1959 được điều động lên công tác tại Ủy ban hành chính huyện (thoát ly gia đình) cho đến nay thì:
- Thời gian công tác nói chung tính từ tháng 02-1950.
- Thời gian công tác liên tục được tính từ tháng 02-1955.
b) Một công nhân, viên chức khác trước đây có thời gian làm phó bí thư chi bộ xã từ tháng 05-1948, đến tháng 10-1950 làm chi ủy viên chi bộ xã, rồi ban chỉ huy xã đội; tháng 10-1953 được điều động đi công tác thoát ly tại một cơ quan của tỉnh cho đến nay thì:
- Thời gian công tác nói chung tính từ tháng 05-1948.
- Thời gian công tác liên tục được tính từ tháng 10-1953.
(Không cộng thời gian giữ chức vụ phó bí thư chi bộ xã từ tháng 05-1948 đến tháng 10-1950 vào thời gian công tác liên tục).
Nếu thời gian làm việc theo chế độ tạm tuyển, phù động dưới 1 năm, sau đó đã thôi việc (đứt quãng) thì không được tính vào thời gian công tác; nếu làm việc được trên 1 năm rồi thôi việc, thì được tính vào thời gian công tác nói chung.
16. Thời gian ở Đoàn thanh niên xung phong:
a) Thời gian công tác ở các Đoàn thanh niên xung phong do Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức, được tính là thời gian công tác liên tục, nếu vẫn liên tục công tác.
b) Thời gian tham gia các Đoàn, Đội thanh niên xung phong ở Liên khu 5 trước đây, do kinh phí Nhà nước đài thọ và đã phục vụ công tác kháng chiến liên tục cho đến khi ra Bắc tập kết thì thời gian công tác thanh niên xung phong ở Liên khu 5 cũng được tính vào thời gian công tác liên tục, nếu vẫn liên tục công tác.
c) Thời gian hoạt động ở các Đoàn thanh niên do địa phương tổ chức để làm các công tác ở địa phương, không thoát ly kinh tế gia đình thì không được tính. Thời gian phục vụ các đơn vị do Đoàn thanh niên tổ chức để phụic vụ công tác đột xuất rồi lại giải tán về địa phương, thì xem như đi làm nghĩa vụ mà không được tính vào thời gian công tác.
17. Trường hợp công nhân, viên chức tham gia công tác từ lúc nhỏ tuổi:
Những trường hợp công nhân, viên chức đã tham gia công tác từ khi còn nhỏ tuổi, ở các cơ quan, xí nghiệp hay đơn vị quân đội thì được tính thời gian công tác từ khi đủ 15 tuổi (và chỉ tính trường hợp được phân công làm việc vụ rõ ràng, có hưởng lương, sinh hoạt phí hay được đơn vị cung cấp về ăn mặc).
18. Công nhân, viên chức các xí nghiệp công tư hợp doanh:
Công nhân, viên chức trước đây làm việc ở các xí nghiệp của chủ tư nhân trong vùng tạm bị chiếm, sau khi giải phóng các thành phố, vẫn tiếp tục làm việc cho đến nay, những xí nghiệp, đó đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh, thì:
- Thời gian làm việc cho các cơ sở trong thời kỳ tạm, chiếm được tính vào thời gian công tác nói chung; nếu có hành động chống phá cách mạng thì không được tính.
- Thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ ngày Chính phủ tiếp quản địa phương.
Công nhân, viên chức làm việc ở các xí nghiệp từ ở vùng tự do thời gian công tác nói chung được tính từ ngày làm việc ở xí nghiệp, thời gian công tác liên tục được tính từ ngày hòa bình lập lại (20-07-1954) nếu vẫn làm việc liên tục ở xí nghiệp.
Công nhân, viên chức ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được điều động sang công tác ở các xí nghiệp công tư hợp doanh thì vẫn coi như liên tục công tác (nếu vẫn liên tục công tác).
19. Công nhân, viên chức trước là kiều bào ở nước ngoài:
Công nhân, viên chức trước là kiều bào ở nước ngoài, nếu ở các nước tư bản đã có thời gian làm công ăn lương ở các cơ quan, xí nghiệp thì cách tính thời gian công tác nói chung cũng giống như cách tính của công nhân, viên chức trong nước có thời gian làm việc dưới chế độ cũ quy định ở điểm 12 của thông tư này. Còn thời gian công tác liên tục được tính từ khi được tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.
Nếu khi ở nước ngoài, công nhân, viên chức trước là kiều bảo đã hoạt động chuyên nghiệp và liên tục cho phong trào cách mạng, nay về trước tiếp tục công tác ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì tất cả thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài cũng được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác).
Công nhân, viên chức trước là kiều bào ở các nước xã hội chủ nghĩa, khi còn ở nước bạn đã làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, sau khi về nước lại được tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp, thì thời gian làm việc liên tục ở các cơ quan, xí nghiệp các nước xã hội chủ nghĩa trước khi về nước cũng được tính vào thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác).
20. Công nhân, viên chức là ngoại kiều:
Công nhân, viên chức ngoại kiều trước là công dân của các nước tư bản khi còn ở nước họ đã có thời gian làm công ăn lương ở các cơ quan, xí nghiệp, thì cách tính thời gian công tác nói chung cũng giống như cách tính của công nhân, viên chức Việt Nam làm việc dưới chế độ cũ quy định ở điểm 12 của thông tư này. Còn thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ khi làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Công nhân, viên chức ngoại kiều trước là công dân của các nước xã hội chủ nghĩa, khi ở trong nước đã có thời gian công tác ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (xã hội chủ nghĩa), khi sang nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lại được tuyển dụng ngay vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì những thời gian đó được coi là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác).
Trên đây Liên bộ quy định việc tính những trường hợp cụ thể về thời gian công tác của công nhân, viên chức, nhưng chưa phải đã quy định được hết; khi tiến hành nếu có trường hợp chưa được quy định trong thông tư này thì các ngành, các cấp trao đổi ý kiến với Liên bộ để giải quyết cho thống nhất.
Việc tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức là một chính sách lớn, liên quan đến nhiều chính sách khác và bao gồm nhiều vấn đề phức tạp, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, tư tưởng công nhân, viên chức, đến đoàn kết nội bộ, đến chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Liên bộ lưu ý các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương cần có kế hoạch lãnh đạo thật chặt chẽ, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp thấy hết khó khăn, phức tạp của vấn đề, để nắm thật vững tinh thần, nội dung của chính sách, tiến hành cho chu đáo, thận trọng và chính xác.
Trong khi thi hành, các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương có gì mắc mứu, đề nghị phản ảnh kịp thời cho Liên bộ biết.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
File gốc của Thông tư liên bộ 09-TT-LB năm 1962 hướng dẫn việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức do Bộ Nội vụ – Bộ Lao động ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên bộ 09-TT-LB năm 1962 hướng dẫn việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức do Bộ Nội vụ – Bộ Lao động ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động, Bộ Nội vụ |
Số hiệu | 09-TT-LB |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Lê Tất Đắc, Nguyễn Đăng |
Ngày ban hành | 1962-02-17 |
Ngày hiệu lực | 1962-03-04 |
Lĩnh vực | Bảo hiểm |
Tình trạng | Đã hủy |