Nghị định 84-CP năm 1994 Hướng dẫn Pháp lệnh Thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích
Căn cứ Pháp lệnh Thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích, được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 3 năm 1994.
I- ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ
Điều 1.- Đối tượng nộp thuế:
Hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích theo quy định của pháp luật là đối tượng nộp thuế bổ sung theo quy định tại Nghị định này.
Hộ gia đình nộp thuế bổ sung bao gồm hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân, hộ cá nhân đứng tên trong sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Điều 2.- Đối tượng chịu thuế:
Đối tượng chịu thuế bổ sung là phần diện tích đất nông nghiệp sử dụng vượt quá hạn mức theo quy định của pháp luật.
Hạn mức đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình được quy định tại Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ theo từng loại và cho từng địa phương như sau:
1- Đối với đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm: các tỉnh Minh Hải, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, không quá 3 hécta. các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác không quá 2 hécta.
2- Đối với đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm: các xã đồng bằng không quá 10 hécta. các xã trung du, miền núi không quá 30 hécta.
II- CĂN CỨ TÍNH THUẾ
Điều 3.- Căn cứ tính thuế bổ sung là diện tích đất nông nghiệp sử dụng vượt quá hạn mức quy định, mức thuế ghi thu bình quân cho từng loại đất nông nghiệp và thuế suất bằng 20% (hai mươi phần trăm) mức thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Điều 4.- Nếu hộ nộp thuế sử dụng nhiều loại đất nông nghiệp thì diện tích đất tính bổ sung được tính theo hạn mức diện tích cho từng loại đất.
Điều 5.- Mức thuế ghi thu bình quân đối với từng loại đất nông nghiệp để tính thuế bổ sung là mức thuế sử dụng đất nông nghiệp tính bình quân trên một đơn vị diện tích cho từng loại đất của hộ nộp thuế.
III- KÊ KHAI, TÍNH THUẾ, NỘP THUẾ
Điều 6.-
Việc kê khai diện tích đất nông nghiệp để tính thuế bổ sung, thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Điều 9 Nghị định số 74-CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ.
Hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp ở nhiều xã, phường, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì ngoài việc kê khai diện tích đất để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp với cơ quan thuế tại nơi lập sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp, còn phải kê khai tổng hợp toàn bộ số diện tích đất nông nghiệp thực hiện đang sử dụng ở các nơi với cơ quan thuế nơi hộ nộp thuế cư trú.
Điều 7.- Căn cứ vào tờ khai của hộ nộp thuế, cơ quan thuế tại nơi hộ nộp thuế cư trú kiểm tra toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thực tế đang sử dụng ở nhiều nơi của hộ nộp thuế để tính thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích, sau khi tính thuế theo Điều 9 của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Điều 8.- Thuế bổ sung tính hàng năm, theo thuế sử dụng đất nông nghiệp, được cộng chung vào sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp của hộ nộp thuế và nộp cùng với số thuế sử dụng đất nông nghiệp cho cơ quan thuế tại nơi hộ nộp thuế cư trú.
Điều 9.-
Hộ nộp thuế bổ sung có sử dụng đất nông nghiệp ở nhiều nơi, nhưng cư trú ở nơi không có đất nông nghiệp, thì kê khai, và nộp thuế tại một nơi mà hộ có lập sổ thuế.
Việc tính thuế, lập sổ thuế, thu thuế bổ sung của trường hợp này, do các cơ quan thuế địa phương tại nơi lập sổ thuế cùng với hộ nộp thuế, thống nhất để xác định nơi nộp thuế bổ sung của phần đất nông nghiệp sử dụng vượt quá hạn mức diện tích.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10.- Những quy định về giảm thuế, miễn thuế, xử lý vi phạm, khiếu nại, tổ chức thực hiện việc thu bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích, thực hiện theo Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Điều 11.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1994.
Điều 12.- Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 13.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này.