BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2012/TT-BNG | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2012 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 2 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định) như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (quy định tại Điều 1 của Nghị định):
1. Nghị định áp dụng đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan quản lý phi chính phủ nước ngoài tại địa phương, các cơ quan đối tác Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân, hoặc các hình thức tổ chức xã hội, phi lợi nhuận khác, được thành lập theo luật pháp nước ngoài, có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận hoặc các mục đích khác tại Việt Nam.
2. Nghị định không áp dụng đối với các cá nhân có hoạt động từ thiện, nhân đạo tại Việt Nam.
Điều 2. Quy định chung về đăng ký đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (quy định từ Điều 5 đến Điều 15 của Nghị định):
1. Căn cứ theo Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế ban hành ngày 20/04/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi triển khai các hoạt động tại Việt Nam, người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cần ký “Thỏa thuận khung" với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền Việt Nam (là các cơ quan Việt Nam được quy định lại Điều 1 của Pháp lệnh), trong đó quy định rõ quyền, trách nhiệm, các cam kết hoạt động, nhân đạo, phát triển của các tổ chức đó tại Việt Nam. Trong trường hợp tổ chức phi chính phủ nước ngoài không có cơ quan đối tác Việt Nam ký "Thỏa thuận khung" thì cơ quan thường trực của Ủy ban sẽ là cơ quan ký "Thỏa thuận khung” và phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao trước khi ký kết.
2. Hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký hợp lệ đến Cơ quan Thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để tiến hành các thủ tục như quy định từ Điều 6 đến Điều 14 của Nghị định.
3. Bộ Ngoại giao xét, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy đăng ký trên cơ sở ý kiến thẩm định của các thành viên ủy ban. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chỉ được phép triển khai các hoạt động sau khi được cấp Giấy đăng ký, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Thông tư này. Tổ chức phi chính phủ nước ngoài nào vào hoạt động khi chưa đăng ký thì Cơ quan Thường trực hoặc cơ quan liên quan có thẩm quyền đề nghị tổ chức đó tạm dừng hoạt động trong vòng 15 ngày để làm thủ tục đăng ký và khi được cấp Giấy đăng ký mới hoạt động.
4. Các Bộ, ngành, địa phương và đối tác Việt Nam không được triển khai các hoạt động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khi tổ chức đó chưa có Giấy đăng ký theo quy định, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Thông tư này.
a) Trong vòng 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Thường trực của Ủy ban xin ý kiến của các cơ quan liên quan và UBND tỉnh nơi dự kiến tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động. Các cơ quan được tham khảo ý kiến phải trả lời trong vòng 20 ngày làm việc.
b) Khi nhận được các ý kiến liên quan, Cơ quan Thường trực của Ủy ban chuyển hồ sơ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài và ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, ý kiến của UBND tỉnh nơi dự kiến tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động cho Bộ Ngoại giao xem xét.
c) Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ như nêu tại Tiết b, Khoản 1, Điều 3 ở trên, Bộ Ngoại giao xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định (Những vấn đề vượt thẩm quyền Bộ Ngoại giao sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định).
d) Bộ Ngoại giao sẽ chuyển kết quả cho Cơ quan Thường trực của Ủy ban để thông báo kết quả bằng văn bản cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Điều 4. Cơ quan cấp Giấy đăng ký và cơ quan tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ đăng ký (quy định từ Điều 5 đến Điều 15 và Khoản 3 thuộc Điều 24 của Nghị định):
1. Bộ Ngoại giao là cơ quan cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và thu hồi các loại Giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu các loại Giấy đăng ký quy định tại Phụ lục số 1, 2 và 3).
2. Cơ quan Thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi, chấm dứt hoạt động và chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên của Ủy ban thẩm định hồ sơ và trả kết quả xét, duyệt hồ sơ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 5. Thẩm quyền ký đơn đề nghị cấp mới, gia hạn, bổ sung, sửa đổi Giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (quy định từ Điều 5 đến Điều 15 của Nghị định):
1. Đơn đề nghị cấp mới hoặc nâng cấp Giấy đăng ký phải do người đứng đầu của tổ chức phi chính phủ nước ngoài ký.
2. Đơn đề nghị gia hạn, bổ sung, sửa đổi Giấy đăng ký do người đại diện của tổ chức có tên trên Giấy đăng ký hoặc người đứng đầu của tổ chức phi chính phủ nước ngoài được ủy quyền ký.
Điều 6. Hồ sơ về người đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam khi đề nghị cấp mới, sửa đổi, bổ sung các loại Giấy đăng ký (quy định từ Điều 5 đến Điều 15 của Nghị định):
1. Ngoài các tài liệu cần nộp theo Nghị định, mọi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm người đại diện mới của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cần có một Quyết định bổ nhiệm kèm Giấy giới thiệu do người đứng đầu tổ chức đó ký, một bản tiểu sử của người được bổ nhiệm làm đại diện của tổ chức tại Việt Nam và một bản sao trang thông tin chính trong hộ chiếu còn hiệu lực của người đó (các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được chứng thực hợp lệ).
2. Các hồ sơ cần chứng thực hợp lệ gồm: Điều lệ và Giấy chứng thực tư cách pháp nhân của tổ chức, Lý lịch tư pháp của người dự kiến làm Trưởng đại diện Văn phòng Dự án và Văn phòng Đại diện hoặc người được tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủy nhiệm làm đại diện tại Việt Nam được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Nghị định số 111/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2012/TT-BNG của Bộ Ngoại giao hướng dẫn Nghị định số 111/2011/NĐ-CP. Trong trường hợp người dự kiến làm Trưởng đại diện Văn phòng Dự án và Văn phòng Đại diện hoặc người được tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủy nhiệm làm đại diện tại Việt Nam sống và làm việc lâu dài tại nước không phải là nước họ mang quốc tịch thì lý lịch tư pháp được hợp pháp hóa lãnh sự tại nước mà người đó đã sống và làm việc trong vòng 6 tháng gần nhất. Các hồ sơ theo yêu cầu của Nghị định khi có bản dịch ra tiếng Việt cần có công chứng bản dịch tại các Phòng Công chứng nước xuất xứ hoặc Việt Nam. (Danh sách các nước và loại Giấy tờ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam quy định tại Phụ lục 4).
3. Người đại diện của tổ chức tại Việt Nam chỉ được hoạt động khi được Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chấp thuận bằng văn bản.
Điều 7. Địa điểm đặt Văn phòng Dự án, Văn phòng Đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài:
1. Văn phòng Dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được đặt tại tỉnh Iỵ hoặc huyện lỵ của các địa phương nơi có đủ điều kiện thuận lợi để giám sát, hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án và phải được UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương liên quan chấp thuận bằng văn bản.
2. Văn phòng Dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không được đặt tại trụ sở chính quyền của các địa phương.
3. Địa điểm đặt Văn phòng Đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải được UBND thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh chấp thuận bằng văn bản và không được đặt tại trụ sở chính quyền của các địa phương (quy định tại điểm d, Điều 12 của Nghị định).
4. Khi có yêu cầu, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có Giấy đăng ký hoạt động sẽ được tạo điều kiện có nơi làm việc.
1. Trong những trường hợp đặc biệt như tham gia cứu trợ khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, Bộ Ngoại giao ra văn bản chấp thuận cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được tiến hành một số hoạt động từ thiện, nhân đạo nhất định trước khi được cấp Giấy Đăng ký.
2. Về điều kiện cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng Đại diện, Khoản c, mục 1 điều 12 Nghị định số 12/2012/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể hơn như sau: Tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian ít nhất hai năm liên tiếp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký Lập Văn phòng Đại diện.
Điều 9. Thời hạn đối với các loại Giấy đăng ký (quy định tại Điều 6, 7, 9, 10, 12, 13 của Nghị định)
Thời hạn đối với các loại Giấy đăng ký được cấp mới, gia hạn, bổ sung, sửa đổi được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Thời hạn đối với Giấy đăng ký Hoạt động tối đa là 3 năm; thời hạn đối với Giấy đăng ký lập Văn phòng Dự án và Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện tối đa là 5 năm. Thời hạn trên thực tế được ghi trong Giấy đăng ký có thể ngắn hơn các thời hạn nêu trên phù hợp với thời hạn của các chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt, khả năng tài chính của tổ chức và thời hạn đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại nơi thành lập hoặc đặt trụ sở chính trong trường hợp pháp luật nước đó có quy định thời hạn đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
2. Thời hạn Giấy đăng ký được chuyển đổi từ Giấy phép trước đây là thời hạn còn lại của Giấy phép được cấp trước đây, trừ trường hợp tổ chức phi chính phủ nước ngoài đương đơn có yêu cầu khác phù hợp với khả năng tài chính và các chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.
3. Thời hạn Giấy đăng ký sẽ do tổ chức phi chính phủ nước ngoài yêu cầu và Bộ Ngoại giao xem xét quyết định.
Điều 10. Giấy xác nhận tạm thời:
Trong một số trường hợp đặc biệt (Ví dụ: Khi thủ tục thẩm định chưa thể hoàn tất do hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ vì lý do bất khả kháng) khi Giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chưa được gia hạn, bổ sung, sửa đổi kịp thời hạn, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ cấp cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài Giấy xác nhận có thời hạn về tình trạng Giấy đăng ký của tổ chức đang được xem xét để tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động bình thường trong lúc chờ Giấy đăng ký được gia hạn, bổ sung và sửa đổi. (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục số 3.1)
Điều 11. Theo Điều 15 của Nghị định, điều kiện đình chỉ một phần, đình chỉ toàn bộ hay chấm dứt hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Bị đình chỉ một phần khi không thực hiện đúng cam kết, không đủ năng lực tài chính, nhiều dự án đã cam kết, được phê duyệt mà không triển khai thực hiện.
2. Bị đình chỉ toàn bộ hoạt động khi không thực hiện đúng lĩnh vực, địa bàn, hoặc không triển khai hoạt động trong thời gian dài (1 năm).
3. Chấm dứt hoạt động khi vi phạm Điều 4 của Nghị định này sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần.
Điều 12. Cấp Giấy phép lao động:
1. Theo Quy định tại Điều 20 của Nghị định, nhân viên nước ngoài làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi đóng trụ sở xin cấp Giấp phép lao động theo quy định hiện hành của Việt Nam, trừ người nước ngoài là Trưởng đại diện.
2. Việc cấp Giấy phép lao động sẽ áp dụng theo các quy định hướng dẫn tại các văn bản pháp lý sau và theo quy định của pháp luật hiện hành: i) Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; ii) Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP và iii) Thông tư số 31/2011/TT-BLĐTBXH ngày 3/11/2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 34 và Nghị định số 46.
Điều 13. Nhập khẩu hàng hóa (quy định tại Điều 22 của Nghị định):
Nhập khẩu hàng hóa sẽ áp dụng theo hướng dẫn lại Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BCT-BTC-BNG ngày 15/10/2007 giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao và căn cứ theo Nghị định số 73/CP ngày 30/7/1994 và theo các văn bản pháp luật hiện hành hướng dẫn việc tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam xuất khẩu, tái xuất khẩu, chuyển nhượng và tiêu hủy những vật dụng cần thiết phục vụ cho công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ tại Việt Nam.
Điều 14. Thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài (quy định lại Điều 23 của Nghị định):
Thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài áp dụng theo hướng dẫn tại các văn bản pháp lý sau và theo các văn bản pháp luật hiện hành: i) Luật thuế thu nhập cá nhân; ii) Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 quy định chi tiết về Luật thuế thu nhập cá nhân; iii) Thông tư số 55/2007/TT-BTC ngày 29/5/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nuớc ngoài tại Việt Nam; iv) Thông tư số 12/2011/TT-BTC ngày 26/1/2011 sửa đổi Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài Chính, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và sửa đổi Thông tư số 02/2010/TT-BTC ngày 11/01/2010 của Bộ Tài chính.
Điều 15. Con dấu và tài khoản của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (quy định tại Điều 21 của Nghị định):
1. Theo Điều 21 của Nghị định, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được cấp Giấy đăng ký thì được phép đăng ký và sử dụng con dấu và mở tài khoản tại các ngân hàng được thành lập và hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.
2. Việc đăng ký con dấu được áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2010/TT-BCA ngày 05/02/2010 của Bộ Công an, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu và Nghị định số 31/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC CƠ QUAN VIỆT NAM
Điều 16. Thông báo hoạt động (quy định tại Điều 17 của Nghị định):
Việc thông báo hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài bằng văn bản được gửi đến cơ quan đầu mối quản lý đối ngoại nhà nước (Sở, Phòng Ngoại vụ hoặc Văn phòng UBND tỉnh, thành phố) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan nơi tổ chức phi chính phủ nước ngoài có trụ sở hoặc có hoạt động, chương trình, dự án dự kiến sẽ triển khai.
Điều 17. Trách nhiệm báo cáo của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (quy định tại Điều 18 của Nghị định):
Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Trưởng Văn phòng Đại diện, Trưởng Văn phòng Dự án hoặc người được tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủy quyền làm đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, ngân hàng đang mở tài khoản của tổ chức để kiểm toán hàng năm, báo cáo bằng văn bản các hoạt động và tình hình triển khai chương trình, dự án viện trợ, (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục số 5 kèm bản dịch tiếng Việt) về Bộ Ngoại giao, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đồng gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại các địa bàn hoạt động được xác định trong Giấy đăng ký chậm nhất vào ngày 15 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng và chậm nhất vào ngày 15 tháng 1 năm tiếp sau đối với báo cáo năm.
Điều 18. Trách nhiệm báo cáo của các cơ quan Việt Nam (quy định từ Điều 25 đến Điều 28 của Nghị định):
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể các tổ chức nhân dân trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo các hoạt động và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục số 6), cho Bộ Ngoại giao chậm nhất vào 20 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng và chậm nhất vào ngày 20 tháng 2 năm tiếp sau đối với báo cáo năm hoặc khi được yêu cầu để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 19. Trách nhiệm báo cáo của các cơ quan đối tác Việt Nam (quy định tại Khoản 3, Điều 29 của Nghị định):
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các cơ quan đối tác Việt Nam gửi báo cáo bằng văn bản các hoạt động và tình hình triển khai chương trình, dự án viện trợ (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục số...) cho Bộ Ngoại giao đồng gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại các địa bàn hoạt động được xác định trong Giấy đăng ký trước chậm nhất vào ngày 15 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng và chậm nhất vào ngày 15 tháng 1 năm tiếp sau đối với báo cáo năm.
Điều 20. Trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Việt Nam (quy định từ Điều 25 đến Điều 28 của Nghị định):
1. Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
2. Về xác định một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước tại địa phương quản lý chung đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Khoản 4, Điều 28 của Nghị định): Căn cứ theo Quyết định số 67/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 của Thủ tuớng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BNG-BNV ngày 27/05/2009 giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ về quản lý hoạt động đối ngoại ở địa phương và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có), UBND các tỉnh, thành phố giao một cơ quan quản lý đối ngoại làm đầu mối (Sở, Phòng Ngoại vụ hoặc Văn phòng UBND tỉnh) do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách để điều phối chung công tác quản lý giữa các Sở, Ban, ngành tại địa phương và hỗ trợ Bộ Ngoại giao quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên toàn quốc.
3. Các Sở, Ban, ngành có liên quan trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý đối ngoại ở địa phương (Sở, Phòng Ngoại vụ hoặc Văn phòng UBND) trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và báo cáo Bộ Ngoại giao và Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đối ngoại (Sở, Phòng Ngoại vụ hoặc Văn phòng UBND) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phi chính phủ nước ngoài tại địa phương, phối hợp với các Sở, Ban ngành tại địa phương trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố về công tác phi chính phủ nước ngoài và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, thành phố về công tác quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Điều 21. Khen thưởng, xử lý vi phạm (quy định tại Điều 31 của Nghị định):
1. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được xem xét khen thưởng trên cơ sở có báo cáo đánh giá và kiến nghị của các địa phương nơi tổ chức đó hoạt động hoặc của các cơ quan đối tác Việt Nam.
2. Bên cạnh các quy định trong khoản 2, Điều 31 của Nghị định, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ kháng nghị của tổ chức phi chính phủ nước ngoài nếu có.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Ngoại giao để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 05/2012/TT-BNG hướng dẫn Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 05/2012/TT-BNG hướng dẫn Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Ngoại giao |
Số hiệu | 05/2012/TT-BNG |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phạm Bình Minh |
Ngày ban hành | 2012-11-12 |
Ngày hiệu lực | 2012-12-27 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |